Mốc son rực rỡ, vững bước tiến vào tương lai

Dòng sự kiện

Kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019):

Mốc son rực rỡ, vững bước tiến vào tương lai

Trải qua những biến thiên của lịch sử, Thăng Long-Hà Nội luôn là nơi kết tinh tinh hoa của dân tộc, minh chứng cho sự trường tồn của đất nước. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp gian khổ, dù bị giặc chiếm đóng, nhưng Hà Nội vẫn luôn là “trái tim” của cuộc kháng chiến. Người dân Hà Nội nói riêng và cả nước vẫn luôn hướng về Thủ đô với ước nguyện giải phóng, hòa bình.
Hà Nội rực rỡ cờ hoa 65 năm trước. Ảnh: Tư liệu
Cách đây 65 năm, ngày 10-10-1954, Hà Nội rợp cờ hoa, người dân hân hoan chào đón đoàn quân giải phóng tiếp quản Thủ đô. Trải qua 65 năm, những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và người dân để xây dựngThủ đô Hà Nội thực sự trở thành một trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước bước đầu đã gặt hái được những thành tựu to lớn.
Sau ngày giải phóng, Đảng, Chính phủ đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách quản lý xã hội mới. Bộ máy hành chính kháng chiến chuyển sang hệ thống hành chính thời bình. Ngày 24-11-1957, các tầng lớp nhân dân Thủ đô phấn khởi tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân thành phố khóa I, gồm 100 đại biểu, đại diện cho các ngành, các giới, các tầng lớp nhân dân của Thủ đô Hà Nội. Thắng lợi của cuộc bầu cử đã tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục củng cố bộ máy Nhà nước, các đoàn thể tổ chức quần chúng, tiến tới hoàn thành công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh. 
Trong thời kỳ khôi phục kinh tế (1955-1957) và cải tạo xã hội chủ nghĩa (1958-1960), nhân dân Hà Nội đã tích cực xây dựng các nhà máy, xí nghiệp quốc doanh. Từ khoảng cuối năm 1957, Hà Nội tập trung xây dựng 3 nhà máy lớn là Nhà máy cao su Sao Vàng, Nhà máy xà phòng và Nhà máy thuốc lá Thăng Long. Toàn bộ khu công nghiệp này chính thức hoạt động vào ngày 18-5-1960, đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 12-4-1958, Nhà máy cơ khí Hà Nội chính thức cắt băng khánh thành. Đây là nhà máy cơ khí hiện đại nhất của miền Bắc trong những thập niên 60, 70, được coi là “con chim đầu đàn của ngành cơ khí Việt Nam”. Giai đoạn này, tuyến đường sắt quan trọng là Hà Nội-Lạng Sơn và Hà Nội-Nam Định cũng được khai thông. Công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa của Hà Nội đã góp phần đẩy lùi nền văn hóa thuộc địa, giảm số người thất nghiệp ở thành phố xuống khoảng 2/3 so với ngày đầu tiếp quản.
Trong công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, xây dựng Thủ đô và làm tròn vai trò hậu phương của mình, nhân dân Hà Nội ra sức sản xuất, chi viện cho tiền tuyến. Kể từ năm 1965 đến năm 1975, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, nhằm chi viện cho miền Nam ruột thịt, Hà Nội đã tiến hành 29 đợt tuyển quân, động viên hơn 8,6 vạn thanh niên, quân dự bị bổ sung cho các quân, binh chủng và trực tiếp chi viện cho các chiến trường. Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, quân và dân Hà Nội đã anh dũng bắn rơi 258 chiếc trong tổng số 3.243 máy bay Mỹ bị bắn rơi ở miền Bắc. Cuối năm 1972, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã lập nên chiến thắng vang dội “Điện Biên phủ trên không”, đập tan âm mưu hòng đưa Hà Nội trở lại thời kỳ đồ đá của đế quốc Mỹ, góp phần buộc chúng phải ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt?Nam, tạo điều kiện cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta đi đến thắng lợi hoàn toàn. 
Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI (24/6 đến 3/7/1976) đã quyết định chọn Hà Nội là Thủ đô của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Từ đây, lịch sử của Đảng bộ và nhân dân Hà Nội bước sang trang mới với những trọng trách mới. Hà Nội đảm nhiệm vai trò là trung tâm đầu não về chính trị, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, đồng thời là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Từ năm 1986, quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, Thành ủy Hà Nội đã đề ra chủ trương phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tế của Thủ đô. Kinh tế của Thủ đô liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, phát triển theo hướng bền vững. Ghi nhận những đóng góp của nhân dân Thủ đô trong hai cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước, xây dựng Thủ đô, ngày 6-10-1984, Hội đồng Nhà nước đã trao tặng nhân dân Thủ đô Hà Nội Huân chương Sao Vàng. Ngày 16-7-1999, Hà Nội là thành phố duy nhất tiêu biểu cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương và là một trong 5 thành phố trên thế giới được UNESCO trao giải thưởng “Thành phố vì hòa bình”. Đây là vinh dự lớn và là niềm tự hào của nhân dân Thủ đô, những người đã và sẽ luôn phấn đấu cho nền hòa bình trên toàn thế giới.
Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 1-8-2008 của Quốc hội khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan, Thủ đô Hà Nội đã có sự phát triển vượt bậc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,1% về dân số, nhưng hiện, Hà Nội đóng góp tới trên 16% GDP và hơn 19% về thu ngân sách của cả nước. 
Theo Báo Biên phòng
Mốc son rực rỡ, vững bước tiến vào tương lai Mốc son rực rỡ, vững bước tiến vào tương lai Reviewed by BBT on 10/09/2019 04:00:00 PM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.